Giỏ hàng

9 đặc điểm tính khí ở trẻ

Nhờ sự hiểu biết về tính khí của con, bố mẹ chúng ta sẽ có cách tương tác và hỗ trợ con phù hợp với đặc điểm tính khí của chính con.

Trong cuốn sách The Gardener and The Carpenter, Giáo sư tâm lý học Alison Gopnik của Đại học California đã dùng hình ảnh người làm vườn và người thợ mộc để ẩn dụ cho hai hình mẫu cha mẹ phổ biến. Tác giả khuyến khích cha mẹ hãy như người làm vườn trí tuệ đang chăm sóc một khu vườn đầy ắp những loại cây khác nhau. Mỗi đứa trẻ, giống như mỗi loại cây sẽ có nhu cầu, điều kiện phát triển và thời gian nở hoa khác nhau. Có bé sẽ như cây hoa hồng cần được chăm sóc tỉ mỉ nhưng có bé lại như cây xương rồng, ít đòi hỏi nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ theo cách của riêng mình. Người làm vườn khôn ngoan sẽ không áp đặt một phương pháp chăm sóc chung cho tất cả các loại cây mà sẽ quan sát từng loại để từ đó tạo điều kiện để mỗi cây có thể phát triển mạnh mẽ. Và để hỗ trợ cha mẹ thấu hiểu được bé cây của mình, đội ngũ chuyên môn Bibihome sẽ chia sẻ với cha mẹ về 9 nhóm tính khí. Mời cha mẹ đọc bài viết và suy ngẫm về tính khí của con cũng như của chính mình nhé.


Cha mẹ thường tự hỏi mình những câu hỏi như:


-Vì sao con nhà mình lại “nhát” thế, cứ đến chỗ lạ là thu mình lại?

-Vì sao con nhà mình suốt ngày chạy nhảy, chẳng chịu ngồi im gì?

-Vì sao cùng cha mẹ sinh ra mà các con lại khác nhau thế?

-Vì sao con nhà mình lại “khó tính” hơn con nhà người khác?

-Vì sao mình lại hợp đứa này hơn đứa kia?

Vậy tính khí là gì?

Tính khí là đặc điểm trẻ đã có sẵn trong người ngay khi sinh ra và thừa hưởng qua di truyền. Tính khí tạo nên cách một người cư xử, cách học hỏi và cách họ tương tác với mọi người và môi trường xung quanh.

Đọc đến đây, bố mẹ hãy thử suy ngẫm xem con mình thừa hưởng tính khí nào của mình nhé. Và để hiểu tính khí của con cụ thể hơn nữa, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 9 đặc điểm tạo nên tính khí của trẻ qua nghiên cứu của 2 nhà tâm lý học Alexander Thomas và Stella Chess


1. Mức độ hoạt động (Activity level): Hay còn gọi là mức năng lượng, mức độ hoạt động thể chất của trẻ. Những trẻ có mức độ hoạt động cao thường ngọ nguậy khi ngủ, sau này thường thích leo trèo hay khám phá, học ở lớp sẽ hay vặn vẹo liên tục hoặc thường xuyên muốn rời khỏi chỗ ngồi, khi lớn lên thì thích hoạt động thể thao.

Những trẻ có mức độ hoạt động thấp thường thích sự yên tĩnh hoặc các trò chơi không yêu cầu vận động nhiều như đọc sách, vẽ tranh,…

Vậy nếu bố mẹ có mức độ hoạt động thấp mà con có mức độ hoạt động rất cao thì làm thế nào để hoà hợp đặc điểm tính khí giữa bản thân bố mẹ và con?

2. Nhịp sinh học (Rhythmicity): Chỉ sự nhịp nhàng và điều độ của các chức năng, nhu cầu sinh lý như ăn uống, tiêu hoá, đi vệ sinh, chu kỳ ngủ - thức ở mức dễ đoán hay khó đoán. Một số trẻ thường dễ dàng và linh động với sự thay đổi trong nề nếp sinh hoạt hàng ngày, với những đứa trẻ này bố mẹ sẽ thấy “dễ nuôi” hơn khi con yêu cầu ăn, ngủ ở những khung giờ không theo lịch trình. Ngược lại, có một số trẻ sẽ bắt buộc sinh hoạt theo lịch cố định và nhất quán như ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc,…Hiểu được điều này sẽ giúp bố mẹ sắp xếp phù hợp với những dịp đặc biệt như đi du lịch, nghỉ tết,…

3. Thái độ tiếp cận hoặc thu mình (Approach/ Withdrawal): Chỉ mức độ phản ứng với đồ vật mới hoặc người mới gặp của trẻ, hay mức độ sẵn sàng tham gia một hoạt động mới của trẻ. Chúng ta sẽ thấy có những trẻ rất hào hứng, thích thú và đầy hiếu kỳ với những điều mới lạ nhưng ngược lại cũng có những trẻ rất cẩn trọng, dè chừng và thậm chí tỏ ra không thích những thứ mới, nếu bố mẹ có con thu mình thì bố mẹ hãy hiểu và kiên nhẫn để con có thời gian quan sát, thích nghi.

4. Sự phân tâm (Distractibility): Chỉ mức độ mất tập trung của một đứa trẻ với những hoạt động chúng đang làm. Những đứa trẻ dễ bị phân tâm sẽ ngưng khóc đòi đồ ăn khi được đu đưa trên ghế, ngưng tức giận khi có một hoạt động khác xen ngang nhưng khi lớn lên trẻ sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn đồ vật vì chúng thường thích các món đồ như nhau. Những đứa trẻ ít bị phân tâm sẽ có các đặc điểm ngược lại, cũng như sẽ phản ứng dữ dội nếu một đồ vật ưa thích của chúng bị lấy đi và có khả năng đọc sách rất chăm chú, kể cả khi có tiếng TV ồn ào xung quanh.

5. Khả năng thích nghi (Adaptability): Chỉ các hành vi thích ứng với những thay đổi từ môi trường xung quanh của trẻ. Những trẻ có khả năng thích nghi cao sẽ dễ làm quen với việc tắm trong chậu, chịu ở lại nhà ông bà hàng tuần và khi lớn lên sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường học tập mới, mặc dù chúng vẫn có thái độ khó chịu trong ngày đầu tiên.

6. Sự tập trung và sự bền bỉ (Attention span and persistence): Chỉ khoảng thời gian trẻ liên tục thực hiện một hoạt động kể cả khi gặp khó khăn. Những trẻ có sức tập trung và sự bền bỉ cao sẽ tiếp tục khóc cho tới khi chúng nhận được thứ chúng muốn, sẽ không ngừng cố gắng hoàn thành một trò chơi khó, hoặc chăm chú quan sát khi người lớn hướng dẫn chơi trò chơi đó, hoặc sẽ đọc sách ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ và làm bài tập cẩn thận trước khi đi học. Những trẻ có sức tập trung và sự bền bỉ kém sẽ có các đặc điểm ngược lại.

7. Cường độ của phản ứng (Intensity of reaction): Chỉ mức độ phản ứng của trẻ nói chung. Những trẻ có mức độ phản ứng mạnh sẽ giãy nảy khó chịu khi bỉm bị ướt hoặc hét to khi cảm thấy hào hứng. Khi lớn lên, những đứa trẻ này có thể sẽ xé toạc một trang vở khi mặc một lỗi sai hoặc đóng sầm cửa lại khi bị trêu tức. Những đứa trẻ có mức độ phản ứng yếu hoặc trung bình chỉ thể hiện biểu cảm khó chịu và rất ít khi lớn tiếng la lối.

8. Mức độ nhạy cảm của các giác quan (Threshold of responsiveness):Là cách trẻ cảm nhận và bị ảnh hưởng bởi cường độ của các tác nhân từ môi trường. Những trẻ ít nhạy cảm sẽ không giật mình khi có tiếng động lớn, sau này có thể thoải mái ở với bất kỳ ai, hay dễ dàng rơi vào giấc ngủ dù là ở tư thế nằm sấp hay nằm ngửa, ánh sáng sáng quá hay tối quá... Khi lớn hơn, những đứa trẻ này ít phàn nàn khi ốm và có thể ăn nhiều món đa dạng. Trái lại, những trẻ nhạy cảm hơn sẽ phản ứng với các tác nhân có cường độ yếu hơn. Do đó, trẻ có thể ngừng bú khi có người lạ tới gần, cần được gài chăn quanh người khi ngủ, trẻ cũng có thể ghét ăn thịt mỡ hoặc đòi tắm ở một nhiệt độ nước nhất định.


9. Chất lượng của tâm trạng (Quality of mood): Chỉ tâm trạng chung của trẻ. Những trẻ có tâm trạng tích cực sẽ cười với cha mẹ, khúc khích khi chơi với anh chị em, hoặc cười vui vẻ khi tự mình buộc dây giày thành công. Sau này, những trẻ này cũng cảm thấy vui thích mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Ngược lại, những trẻ có tâm trạng tiêu cực sẽ dễ cáu gắt, nóng giận hoặc cảm thấy bực mình và khó chịu.

Hiểu đặc điểm tính khí của trẻ sẽ giúp bố mẹ chúng ta hiểu rằng không phải con là đứa trẻ không ngoan hay cố tình làm khó bố mẹ, chỉ là con sinh ra đã có những đặc điểm tính khí như vậy. Nhờ sự hiểu biết đó, bố mẹ chúng ta sẽ có cách tương tác và hỗ trợ con phù hợp với đặc điểm tính khí của chính con.

Đội ngũ biên soạn Bibihome

 

Hotline Facebook Messenger Top